Header Ads

BÀN VỀ KHỞI NGHIỆP 2018

Bài viết này tôi dành tặng cho người có ý định khởi nghiệp và những kẻ đang lao đao vì khởi nghiệp mà đã từng có ý nghĩ bỏ cuộc. Mạn phép tôi nói “kẻ” vì chính tôi cũng đang là 1 kẻ như vậy, nó mang chút sắc thái tự luyến.

Tôi chưa từng có ý định viết một cuốn sách về quá trình khởi sự của mình, ít nhất là khi sự nghiệp của tôi mới chỉ bắt đầu như thế này. Tôi cũng chưa từng trả lời đơn vị báo chí nào mà trình bày chi tiết quan điểm của tôi như này. Tôi cũng chưa từng diễn thuyết hay tham gia toạ đàm nào mà nói gay gắt như bài này.
Nhưng… với những gì tôi viết ở đây, các bạn nếu đã quyết định đọc thì sẽ đọc kĩ và cân nhắc cơ hội khởi nghiệp của mình.
Tôi nghĩ bài viết này sẽ hợp với nhiều người vì chính tôi cũng đang nằm ở cái thung lũng nợ nần, stress, có giai đoạn đứng trước trầm cảm, mắc sai sót hàng ngày, sự ngây thơ của cái tuổi còn non trẻ dù có 1 chút trải nghiệm và thành tựu nhất định.

Trên tất cả, những gì tôi viết đây là quan điểm của tôi rút ra từ chính những trải nghiệm và suy nghĩ của tôi. Tôi không phải nhà văn, cũng chẳng phải chuyên gia nên không có đúng có sai, không có phán xét, chỉ có góc nhìn và tôi rất mong được nghe thêm những quan điểm các của các bạn.

Tôi sẽ đưa ra góc nhìn về các khía cạnh:
1.    Định nghĩa khởi nghiệp
2.    Công nghệ 4.0
3.    Chuẩn bị gì để khởi nghiệp
4.    Học kỹ năng gì đầu tiên khi khởi nghiệp
5.    Bắt đầu hành động như nào?
6.    Khởi nghiệp thực sự

1.    KHỞI NGHIỆP LÀ GÌ

Nói về định nghĩa khởi nghiệp thì có nhiều quan điểm. Chính bản thân tôi cũng tự sắm cho mình 2 định nghĩa. Một kiểu dân dã, đơn giản. Hai là theo khoa học, chính xác tới bản chất của từng chữ. Tuy nhiên nhìn chung là nó có hệ quy chiếu giống nhau. Tuỳ theo từng bối cảnh tôi sẽ phân tích theo kiểu nào.
Chung quy, xã hội luôn có những vấn đề rắc rối hay nhu cầu tiềm ẩn cần giải quyết. Đó là việc của những nhà khởi nghiệp: giải quyết các vấn đề đó bằng việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ “mới”.

Tôi có 1 quán ruột tại 63 Hàng Bồ là quán mỳ gà tần. Không hề có cơ sở, chỉ bán ở vỉa hè. Mỗi ngày quán bán ít nhất 500 bát mỳ, 13 nồi gà, 250 con gà. Lúc cao điểm lên tới 1000 bát mỳ, chưa kể nước uống và các thứ ăn kèm. Bạn thử tính xem, 1 tháng họ có thu về được 1 tỷ không?
Hay tôi biết 1 chị sinh năm 1989 chẳng biết học trường gì, chỉ mở 1 shop thời trang nhỏ chưa đến 20m2 ở ngõ cũng mua được nhà cao cấp và ô tô hạng sang ở Hà Nội.
Tôi không nói tới bác Vượng (Vingroup), anh Điệp (vatgia), chú Long (Hoà Phát), hay chị Phương Thảo (Vietjet) vì mọi người lại nghĩ khởi nghiệp nó là gì to lớn lắm. Mình không được tài giỏi như họ đâu.
Thế giới của những người khởi nghiệp họ thường không được biết đến vì đâu được in ở cuốn Những điều cần biết tuyển sinh Đại học?

Khởi nghiệp đồng nghĩa với việc tất cả thời gian là của bạn, thích làm thì làm, thích nghỉ thì không ai mắng và bạn sẽ rất “giàu có” nếu thành công. Nhưng ngược lại, cơ hội bạn mất tiền, mất bạn bè, mất sở thích cá nhân, thậm chí đánh mất cả bản thân mình nó lớn hơn gấp ngàn lần.
Tuy nhiên quá trình mà bạn mất mát đó chính là lúc bạn trưởng thành và lớn lên nếu đứng dậy được. Đó không phải là thất bại mà là thử thách. Làm gì có chuyện con đường tới thành công được trải cánh hoa hồng chứ không phải gai hồng chứ?

Tôi mạn phép bàn qua một chút về định nghĩa doanh nhân:

Vào ngày 26/3/2018 tôi về lại trường Đại học, nói chuyện với cô giáo dạy tôi 4 lần 1 môn (Tôi ko nói phét đâu, tôi nhắc lại là môn Lập trình Windows tôi học 4 lần mới qua).
Cô nói tôi làm kinh doanh là phải từ cái tâm con nhé. Doanh nhân không phải làm kinh doanh và nhiều tiền là doanh nhân đâu, mà đằng sau chữ “Doanh” là chữ “Nhân” đó con. Nghĩa là, đằng sau của kẻ xưng danh là cả 1 bầu trời đạo đức, là phải vì những người xung quanh mình, là phải vì một xã hội phát triển hơn. Làm sao để cái tên của mình còn được lưu danh mãi ngay cả khi con chết đi.
Khởi nghiệp là phải lựa chọn giữa việc lợi ích của người tiêu dùng trên từng sản phẩm dịch vụ và lợi ích của công ty, cá nhân. Hãy làm ra tiền một cách chính đáng chứ không phải làm tiền bằng mọi giá. Nếu có tâm địa không tốt thì đừng nhận mình là doanh nhân nhé.


“Doanh nhân là để lại di sản chứ không phải để lại một đống tiền”

2.    CÔNG NGHỆ 4.0 LÀ GÌ?

Tôi thử làm 1 động tác search trên google từ khoá: “Công nghệ 4.0”, số lượng kết quả là 972.000 trong 0,3s. Rất nhiều khái niệm. Truyền thông nhắc đến rất nhiều. Vậy trong số các bạn đọc được bài này, có bao nhiêu bạn hiểu được rõ bản chất của công nghệ 4.0 và sự ảnh hưởng của nó hay lúc nào cũng miệng cách mạng công nghệ 4.0 rồi mà chẳng hiểu cái quái gì?
Tôi từng có 1 phân đoạn chia sẻ về công nghệ 4.0 tại 1 trường Đại học ở Hà Nội cho lớp các em sinh viên Nghiên cứu Khoa học. (mạn phép dùng từ chia sẻ chứ không phải giảng vì tôi không có chuyên môn về vấn đề này)
Tôi hỏi các em: Con người khác con vật ở chỗ nào?
Có 1 em trả lời rất thú vị: Người hay vật cũng đều là con cả, đều là 1 thứ tạm bợ của vũ trụ này nhưng người khác vật ở chỗ con người độc ác quá. Độc ác từ chính suy nghĩ của mình. Còn vật thì không. Con người ganh đua, ganh ghét từng thứ một chỉ để chiến thắng và gây ra hàng vạn vấn đề hệ luỵ xã hội.
Em sinh viên đó làm tôi nhớ tới một ví dụ cũng khá ấn tượng trong tác phẩm: “Mùa lá rụng” của nhà văn Ma Văn Kháng: Đời người là một vại dưa muối hỏng.
Nhưng thực tế, chỉ có sự ganh đua, cạnh tranh mới sáng tạo và xây dựng 1 xã hội phát triển. Đó là bản chất của sự phát triển từ nền công nghệ 1.0 cho tới 4.0. Dưới đây là định nghĩa chính xác và ví dụ cho sự phát triển của nền công nghệ qua các giai đoạn:




Vậy đã từng ai thắc mắc: Thế công nghệ 0.0 là gì chưa? (Đây có thể là 1 câu hỏi ngu, nhưng tôi thích nó.)
Vì công nghệ 0.0 là sự đánh dấu việc khác nhau giữa người và vật. Đó là thời nguyên thuỷ, con người phát minh ra lửa, chuyển từ việc ăn sống nuốt tươi sang ăn chín uống sôi.
Còn nền cách mạng công nghiệp 4.0 được thể hiện qua sự bùng nổ của: Vật lý kết hợp với IT (Robocon), IT (IOT – Internet Of Things; VR (Thực tại ảo – Kính Google Glass)), công nghệ sinh học,....

Tôi chỉ muốn nói ở đây, bạn sống ở thế giới này thì phải chơi theo luật của thế giới này. Bạn khởi nghiệp mà bạn khởi nghiệp theo cách mà 2.0; 3.0 làm thì bạn sẽ khó có thể tồn tại lâu bền. Một khi có ý định khởi nghiệp, phải trang bị có mình kiến thức và kỹ năng về công nghệ 4.0 để áp dụng nó và công việc kinh doanh của mình. Nếu không bạn sẽ bị bỏ rơi rất xa so với đối thủ.


3.    KHỞI NGHIỆP CẦN CHUẨN BỊ GÌ?

Lời khuyên duy nhất của tôi là các bạn cần chuẩn bị 2 thứ. Nếu các bạn có 2 thứ này thì những thứ khác chẳng phải tôi nói ra mà chính tự các bạn sẽ biết các bạn cần chuẩn bị gì:
-       Tâm lý cho bố mẹ, gia đình
-       Tâm lý vượt qua giới hạn của bản thân

Người Việt Nam không có thói quen làm quen với thất bại, họ không muốn con mình làm gì đó mạo hiểm và sẽ ngăn cản.
Thời tôi học cấp 2, cấp 3 tôi được bố mẹ kể về gương anh chị trong làng học trường này trường kia, được bằng giỏi, học bổng kỳ nào cũng có. Lúc ra trường, bố mẹ lại nai lưng ra vay mượn được 300-400 triệu để xin việc cho con. Ai không có tiền thì đi làm công nhân giày da.
Gia đình thường muốn con mình “tập trung học kiếm bằng giỏi ra trường xin đầy việc” mà không hề biết rằng trường học cũng chẳng giúp cho chúng ta trong công việc nhiều. Khoan hãy trách bố mẹ, mà hãy hiểu vì mỗi thời mỗi khác. Hãy tập cho bố mẹ quen với việc không thể “ổn định“ như vậy, không thể “cứ chăm ngoan, học giỏi là có thể có có cuộc sống đầy đủ”, hãy xác định cho gia đình biết là khởi nghiệp có thể không chỉ mất tiền mà mất rất nhiều thứ khác. Hãy để cho bố mẹ quen dần với việc con vấp ngã rồi, con sẽ đứng dậy và bước tiếp.
Mà theo tôi, khởi nghiệp thì đừng cho bố mẹ biết.

Rào cản tiếp theo là giới hạn của chính bản thân bạn.
Ai cũng có ý tưởng, thậm chí có rất nhiều ý tưởng hay. Nhưng bạn dành cả năm nghĩ về nó và chẳng dám làm vì ngại, vì sợ, vì mình đang ổn định thế này, ngộ nhỡ củ lạc, ngộ nhỡ củ khoai. Vòng an toàn quá lớn và tự hài lòng với bản thân bằng suy nghĩ: mình chưa đủ chín chẳn để làm. Rồi bạn trì hoãn, nếu để tới ngày mai thì bạn không hề biết rằng cuộc đời còn có ngày kia, tuần sau, tháng sau, năm sau và không bao giờ….

Có bạn nói vì thiếu nguồn lực (nhân sự, tài chính, ….), vậy thì tôi nói luôn đó là căn bệnh nan y của khởi nghiệp - khởi nghiệp lúc nào cũng thiếu nguồn lực. Làm nhiều thiếu nhiều, làm ít thiếu ít.
Hãy nhớ, có 1 nguồn lực không bao giờ thiếu là trí tuệ của bạn.

4.    RÈN LUYỆN KỸ NĂNG GÌ ĐẦU TIÊN

Tôi đoán 80% - 90% bạn sẽ nhận được lời khuyên là bán hàng - Marketing. Tôi không phủ nhận nhưng quan điểm tôi lại khác. Đó là quản lý bản thân. Vì theo tôi, khởi nghiệp là sau này làm quản lý, lãnh đạo người khác; bản thân các bạn phải tốt đã mới có tư cách lãnh đạo người khác để nhân viên theo mình, nể mình dù chuyên môn chẳng giỏi bằng họ. Lãnh đạo là gây sự ảnh hưởng bằng phẩm giá chứ không phải bằng cấp quyền và đồng tiền. Sau đó, hãng nói tới những thứ thuộc chuyên môn như bán hàng – marketing (điều cực kỳ quan trọng trong kinh doanh).

Tôi chỉ khuyên các bạn hãy làm tốt từng việc nhỏ một, bắt đầu tư việc buổi sáng ngủ dậy. Bạn giúp tôi, gấp lại chăn màn, chỉnh lại chỗ ngủ cho gọn gàng ngăn nắp rồi làm gì thì làm. Vì đó là nhiệm vụ đầu tiên trong 1 ngày của bạn, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi hoàn thành nó – Đó là cơ sở thành công cho những việc tiếp theo trong ngày của bạn. Tối về, nhìn chiếc giường gọn gàng, nằm xuống làm 1 giấc ngủ ngon lành chẳng phải là hạnh phúc sao?

Tôi không tin có một doanh nhân thành công thực sự mà hay thất hứa, không đúng hẹn, sáng ngủ dậy muộn, giờ giấc lung tung, lần khất bao giờ cho tới ngày mai, lười biếng, muốn thành công, giỏi giang mà không chịu tiếp thu, đọc sách, ỷ lại, thậm chí có chút tài – sắc chút thôi là hách dịch, không khiêm nhường,…

Chắc các bạn hiểu ý tôi? Vì nếu  các bạn quản lý bản thân các bạn tốt, quản lý thái độ các bạn tốt thì tự khắc các bạn sẽ có tinh thần học hỏi chuyên môn: bán hàng, marketing cho tới tài chính, chiến lược,….

5.    BẮT ĐẦU HÀNH ĐỘNG NHƯ NÀO?

Khi các bạn đã thấu hiểu được bản thân mình, đã hiểu mình cần chuẩn bị những gì cho tương lai của mình thì bắt tay vào hành động.

Đời người khác nhau chỉ ở chữ “chọn”. Chọn hành động hay không. Chọn phương pháp, chiến lược như nào.

Hãy nhớ, đừng dồn hết tiền của mình vào công việc kinh doanh và làm nó thật hoành tráng và mơ nó sẽ là 1 bến bờ thành công. Tỷ lệ rất cao phi vụ đầu tiên cuộc đời sẽ thất bại.
Khởi sự kinh doanh đầu tiên của tôi là bán laptop cho sinh viên. Năm 2 đại học. Những ngày đầu, tôi thu lời 2 triệu đồng/ ngày. 1 tháng lời được tầm trung bình 40 triệu đồng. Số tiền cực lớn so với 1 đứa sinh viên nghèo như tôi. Và rồi tôi dồn tiền, nhập 1 lô hàng lớn để ăn lợi nhuận nhiều hơn mà không hề biết rằng thị trường cũng như đồ thị hình sin, có up có down. Không phải ý tưởng tồi, không phải thực thi không tốt mà vì tôi đang bán những thứ tôi có chứ không bán những thứ thị trường cần.

Hãy làm 1 vài vụ kinh doanh nhỏ trước, bạn sẽ nhận ra được nhiều bài học, kết hợp với chăm chỉ đọc sách, tham gia các khoá hội thảo về kinh doanh, lắng nghe các tiền bối để ngấm cái “chất kinh doanh”.  Mình làm kinh doanh chứ không phải buôn bán, nên phải cho mình 1 cái tâm thế là làm việc chuyên nghiệp, chỉnh chu trong từng suy nghĩ dù chỉ là đi giao hàng, gọi hàng cho khách. Vì đó là tiền đề để bạn xây dựng của 1 hệ thống kinh doanh sau này.
Đừng lo lắng bạn không học kinh tế, bản chất của lý thuyết cũng từ thực hành mà nghiệm ra; do vậy khi bạn hành động những kiến thức về nghiên cứu thị trường, tiếp thị, quản lý rủi ro, đàm phán, mua hàng, lập kế hoạch,… sẽ tự trở thành tiềm thức trong bạn.

Ngày bé, tôi có nghe ai đó nói rằng, muốn biết bơi phải chịu đau để chuồn chuồn cắn vào rốn. Tôi đã thử và thấm rằng: nó không hề đau như tưởng tượng và cũng chẳng có con chuồn chuồn nào giúp bạn biết bơi ngoại trừ việc bạn phải uống hàng chục lít nước. Bạn chỉ đọc sách, tham gia hội thảo, nghe tư vấn mà không thực thi thì cũng như việc để con chuồn chuồn cắn vào rốn và chờ đợi mình biết bơi.
Tuy nhiên, kinh doanh nhỏ nhưng hãy có tầm nhìn lớn và nghĩ tới việc xây dựng 1 hệ sinh thái khởi nghiệp. Không nên ở gần những kẻ muốn “ổn định” “hay than thở“ và suy nghĩ “tiêu cực“

6.    KHỞI NGHIỆP THỰC SỰ

Một lần dự toạ đàm tại 1 trường Đại học, tôi nhận được câu hỏi của cậu sinh viên năm 2: Bao giờ thì nên khởi nghiệp, khởi nghiệp vào thời gian nào là hợp lý?
Đối với tôi, không có thời gian hay thước đo chính xác cho thời gian để khởi nghiệp. Quan trọng là lúc bạn đã trang bị cho mình 1 chiếc balo hành trình bao gồm: định vị rõ bản thân, đam mê, kỹ năng và bối cảnh (toàn cảnh thị trường); bạn tự tin với khối óc của mình; bạn đã sẵn sàng chấp nhận đánh đổi mọi rủi ro để sống hết mình. Đó chính là lúc bạn nên khởi nghiệp. Dù bạn 18, 24 hay 30, 50 đi nữa. Tuổi tác không quan trọng.

Hãy nhớ, ý tưởng chỉ trị giá 0 đồng. Quan trọng là bạn thực thi nó như nào, hãy làm 1 bản kế hoạch thực thi cho nó. Xây dựng 1 hệ sinh thái cho ý tưởng của mình. Đừng sợ kẻ khác nói mình viển vông, ảo tưởng mà chỉ nên sợ chính mình không tin bản thân mình.


Trên đây là tôi chia sẻ những quan điểm tư duy của bản thân về khởi nghiệp chứ không phải 1 bài hướng dẫn về khởi nghiệp hay chia sẻ kiến thức về kinh doanh. (Do vậy, nếu bạn nào đã kiên trì đọc đến đây thì tôi thầm cảm ơn bạn rất nhiều)
Tôi tự nhận mình còn quá trẻ để hiểu lẽ đời và khó khăn của con đường mình chọn. Nhưng tôi tự tin với những gì tôi nói ra và tôi làm.

Dưới đây là câu nói mà tôi tự định nghĩa cho chính mình:

-       Sự thoả hiệp với bản thân trong thành công nằm ở 2 từ "giới hạn".   -

Chúc các bạn hiểu mình, sống hết mình và hành động hết mình!

Không có nhận xét nào