Header Ads

BÓC TÁCH DỊCH VỤ, GIA TĂNG DOANH SỐ

Một lần, lâu rồi, mình vô khu Sư Vạn Hạnh kiếm phòng. Tìm được cái khách sạn rõ là ưng ý, thế nhưng lúc hỏi thì em lễ tân nói 60K/giờ, ở đến giờ thứ 2 tính 80K. Mình bảo anh muốn ở luôn em tính bao nhiêu? Em trả lời không nhận khách ở luôn và ra giá “anh muốn ở qua đêm nhà em tính anh 160K nhưng phải 8h tối anh quay lại em mới nhận khách ở qua đêm”. Mình giải thích “anh muốn ở lâu dài, anh muốn ở nhiều đêm thì bao nhiêu em nhỉ?”.

– Khách sạn em chỉ “chạy” khách giờ, cùng lắm ở qua đêm chứ không “chạy” khách lâu dài như vậy đâu anh nhé!
– Ủa sao khách sạn gì ngộ vậy?
– Vâng anh ở được thì ở không thì thôi ạ. Khu này nhà nào cũng vậy mà.


Uh không cho thì thôi vậy. Mình có phải “vã quá” đi tàu nhanh đâu mà lại ở theo giờ! Nhưng thấy kỳ kỳ. Tại ban đầu mình tưởng cho thuê theo giờ là để tranh thủ khi phòng còn trống thì “tăng gia sản xuất”, chứ nào giờ đâu biết cái vụ khách sạn mở ra… nhưng không cho khách thuê lâu dài như vậy.

Nhưng về sau nghĩ lại, mình thấy họ tính toán quá hay. Mỗi khách trung bình rủ nhau vô mướn phòng “vui vẻ” sẽ thuê ít nhất 1 giờ. Thực ra là hơn 1 giờ một chút, và bị tính lố lên thành 2 giờ. Như vậy mỗi khách vào khách sạn tiêu hết 80K.

Nếu sáng có 1 lượt khách; chiều 2 lượt; tối 2 lượt thì tổng một ngày có 5 lượt khách giờ, khách sạn thu về 5 x 80K = 400K. Nếu có thêm khách “qua đêm” (nhưng không phải thuê trọn một ngày) thì họ thu thêm 160K nữa, tổng thành 560K. Trong khi một căn phòng như vậy, khách sạn thuê “theo ngày” tính giá 350-400K còn chật vật.

Liên hệ qua mấy hãng “hàng không giá rẻ”, họ cũng áp dụng công thức “với tinh thần như vậy”. Thay vì bán một “vé máy bay” có đầy đủ “vận chuyện người”, đồ ăn thức uống, hành lý, quyền đổi hành trình… như VietnamAirlines, thì các hãng giá rẻ tách ra để bán riêng. Khi ấy, giá tiền một vé chỉ còn lại “trần truồng” mỗi cái “vận chuyển người”; còn lại mọi thứ bán riêng. Muốn mua đồ ăn thì thêm 40K. Mua hành lý thêm 150K cho 20kg. Mua chỗ ngồi hết 20-60K tuỳ vị trí. Chuyển đổi hành trình hết 300K cộng thêm tiền chênh lệch…

Tổng hết tiền dịch vụ khi mua vé giá rẻ sẽ không thấp hơn vé “giá đắt” bao nhiêu. Tuy nhiên, khi bóc tách ra như vậy thì sẽ “vét” được nhiều đối tượng mua hàng theo đúng nhu cầu của mỗi người. Ai muốn ít tiền sẽ được ít tiền, ai muốn dịch vụ tốt không quan tâm đến tiền sẽ có dịch vụ tốt tận răng. Và quan trọng, lại có cái tiếng là “hàng không giá rẻ” tha hồ PR, quảng cáo.

Các công ty dịch vụ hợp tác với nhà cung cấp deal mua theo nhóm cũng một “tinh thần” như vậy. Thường các deal mà họ bán cho khách hàng giá rẻ sẽ áp dụng vào khung giờ vắng khách, hạn chế cuối tuần, lễ Tết. Đó cũng là một cách “bóc tách” rất hợp lý, có lợi cho cả công ty lẫn khách hàng.

Đây không phải là chiêu thức kinh doanh gì quá ghê gớm hay mới mẻ, nhưng ngẫm ra vẫn còn nhiều giá trị. Mình chia sẻ lại cho những bạn nào chưa biết, và cả những bạn đã biết rồi theo góc nhìn của mình. Biết đâu các bạn lại nảy sinh ra những ứng dụng gì mới mẻ.
---ST------


Không có nhận xét nào