Header Ads

TẠI SAO GIA CÁT LƯỢNG CHƯA TỪNG THỰC CHIẾN MÀ CÓ THỂ THÀNH CÔNG?


Nhắc tới Gia Cát Lượng, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của ông khi xây dựng nên nhà Thục Hán, từ không đến có. Bằng tài năng của mình, ông được người đời xưng tụng là “vạn đại quân sư”. Tuy nhiên, trước khi được Lưu Bị mời xuống núi, ông chưa từng bày binh bố trận hay hiến kế cho bất kì một ai. Một con người chưa hề có kinh nghiệm làm quân sư, làm sao có thể thành công đến như vậy? Dưới đây là một số lời mạn đàm của tác giả.



1, Hiểu sâu

Tri thức là sự đúc kết của vô vàn kinh nghiệm. Các lý luận trước khi được trở thành tri thức của nhân loại đều đã được kiểm chứng thực tế và trải qua sự phản biện của rất nhiều nhà khoa học. Để được công nhận, một công trình nghiên cứu đôi khi phải trải sự phản biện của hàng trăm nhà khoa học, được đo lường bởi xác suất thống kê với độ chính xác trên 95%. Thế nên, lý thuyết có thể khiếm khuyết khi nó không thể giải thích được tất cả mọi sự kiện (có lẽ những sự kiện này nằm trong số 5% còn lại) nhưng nó vẫn sẽ tồn tại cho đến khi có một lý luận tốt hơn thay thế. Tuy nhiên, đại đa số đều biết qua kiến thức một cách rất nông. Họ biết sơ sơ mà cho rằng mình đã hiểu dù giữa biết và hiểu là một con đường rất dài. Điều này tạo nên một thế hệ người Việt “nói chung là…” mà không thể nói cụ thể vì chẳng hiểu gì, đại biểu là các bạn sinh viên. Vây nên, lý thuyết không sai mà vì các bạn hiểu chưa hết. Ví dụ, trong kinh tế, nguyên lý ghi rõ khi giá tăng thì nhu cầu sẽ giảm nếu nguồn cung không đổi. Như vậy thì tại sao giá vàng càng tăng thì người dân càng đổ xô đi mua vàng? Các bạn không hề để ý trong nguyên lý có một chữ nhỏ là “ceteris paribus” – mọi thứ đều không đổi. Ở đây, kì vọng của người mua đã thay đổi, họ tin rằng vàng sẽ còn tiếp tục tăng giá nên giá vàng càng tăng mạnh thì họ càng đổ xô đi mua.

2, Hiểu rộng

Trong khoa học, tất cả các nghiên cứu chỉ tập trung vào nhân tố mà họ quan tâm và giữ tất cả các yếu tố khác không thay đổi, bởi vì nếu không sẽ không thể nghiên cứu được do quá phức tạp. Tuy nhiên cuộc sống là tổng hòa của mọi yếu tố. Điều gì xảy ra trong thực tế thì điều đó là đúng, chứ không phải kết quả của nghiên cứu mới là đúng. Vậy nên để có thể hiểu và phân tích được hiện tượng trong cuộc sống thì bạn cần kiến thức tổng hợp của rất nhiều lĩnh vực. Bạn có thể giỏi trong chuyên môn của mình nhưng thiếu kiến thức tổng hợp thì vẫn thất bại như thường. Không có một nhà lãnh đạo công ty lỗi lạc nào mà chỉ giỏi kĩ năng quản lý. Họ phải có tầm nhìn chiến lược, đoán được xu hướng kinh tế, thấu hiểu nhu cầu khách hàng,…Ví dụ, lãnh đạo giỏi mà không để ý chính sách kinh tế thì đôi khi cũng dễ “chết” bất ngờ. Vào một ngày đẹp trời, bỗng nhiên có luật “không cần đội mũ bảo hiểm mà vẫn được lái xe máy” thì cửa hàng mũ bảo hiểm của bạn chắc chắn sẽ lao đao, thậm chí dẹp tiệm. Thế nên có thể tổng hợp, hiểu biết kiến thức của nhiều lĩnh vực thì chắc hẳn bạn sẽ tìm ra lời giải thích cho vấn đề của mình.

3, Không xa rời thực tế

Suốt mười mấy năm nghiên cứu kiến thức, Khổng Minh thực sự đã thông thạo phép dùng binh đánh trận, kỳ môn, bát quái…không môn nào không biết, không môn nào không thông. Tuy nhiên điều đó không đủ để khiến danh sĩ trong thiên hạ thốt lên rằng: “Ai có ngọa long (Gia Cát Lượng) hoặc phượng sồ (Bàng Thống) thì người đó sẽ có được thiên hạ”. Ông ẩn cư ở Long Trung nhưng không bao giờ bỏ quên thế thời, chịu khó đàm luận với các danh sĩ trong thiên hạ. Những danh sĩ đó là những người quân sư “người thật việc thật”, họ chia sẻ cho ông những hiểu biết, kinh nghiệm của họ. Nhờ vậy, ông tuy ẩn cư nhưng mọi sự việc đều hiểu rõ chân tơ kẽ tóc. Người giỏi là phải dùng tri thức để soi sáng sự việc chứ không phải luôn cho mình là đúng. Mọi sự đều có cách giải thích chỉ là bạn có thể tìm ra hay không thôi. Bởi lẽ đó, mọi người đều khâm phục và tôn trọng ông khiến cho danh tiếng bay xa. Danh tiếng lẫy lừng mới có thể khiến Lưu Bị không ngần ngại ba lần đến mời, bắt đầu sự nghiệp hiển hách của bản thân.

Nguồn : Vũ Minh Trường - thành viên khởi nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào