Header Ads

MẬP MỜ TRONG VĂN BẢN LUẬT.





Một luật gia Trung Quốc đoan quyết trong một cuộc thảo luận tuần qua tại Đại Học Beijing là chánh phủ Trung Quốc cố tình giữ nội dung của các văn bản luật pháp thật mập mờ để thủ lợi. Trái với những công luận cho rằng văn hóa cổ truyền của Trung Quốc chỉ thích phác họa mà không đào sâu chi tiết (thể hiện qua những tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ hay lịch sử), ông Wen Jia Kang lý giải rằng phần lớn những văn kiện luật phát hành từ Trung Ương hay địa phương đều do các công chức trẻ soạn thảo. Họ thường là những sinh viên tốt nghiệp luật tại các trường Âu Mỹ hay được đào tạo theo chuẩn mực toàn cầu, nên thói quen mô tả những chi tiết căn bản và phương thức áp dụng luật lệ không khác gì các bạn đồng nghiệp tại những cơ quan lập pháp nước ngoài.
Tuy nhiên, những văn bản này đã được chỉnh sửa lại khi đến tay các quan chức cao hơn, với sự đóng góp rất nhiều từ Ban Tuyên Vận và An Ninh. Kết quả sau cùng là bất cứ cơ quan tư pháp nào cũng như các bộ ngành trong Đảng và chánh phủ đều có thể diễn dịch theo nhu cầu chánh trị và xã hội, tùy trường hợp và tùy cá nhân để xử lý. Ông Kang cũng cho rằng việc lạm dụng khi thực thi rất phổ biến, nhằm đem lại nhiều cơ hội tham nhũng hơn.
Thực ra, đây là một thực tại mà ai sống ở Trung Quốc hơn 6 tháng đều nhận rõ. Tuy nhiên, lần đầu tiên, có một luật sư nghiêm túc phân tích các dữ kiện và đưa ra những kết luận…không gì để ngạc nhiên (như chuyện quan càng làm lớn thì vòng số 3 càng phệ hay chân dài càng nổi danh thì vòng số 1 càng phồng).
Ngoài ra, tôi nghĩ nghiên cứu của ông này có thể tạo nên một phong trào “tệ hại” đòi hỏi các luật lệ phải minh bạch và chứa đựng những chi tiết khiến một văn kiện như “hiến pháp” trở thành hấp dẫn. Ngày nào mà toàn dân thi nhau đọc hiến pháp thì ngày đó “suy thoái đạo đức” là điều không thể tránh cho xã hội.
Chẳng hạn, hiến pháp Tàu ghi rõ là nhân dân Trung Quốc có quyền tự do ngôn luận. Bây giờ, họ phải ghi rõ thêm là “tuy vậy, không ai bảo đảm tự do cho các ông chủ đất nước SAU khi ngôn luận”. Nhân dân được tự do biểu tình (bầy tỏ tình cảm) nhưng không được “chống đối” một điều gì, hay một người nào, kể cả vợ con. Chỉ được chống đối sau khi đóng cửa nhà và thì thầm với nhau để không làm ồn ào hàng xóm. Tài sản thuộc sở hữu của toàn dân, nhưng chỉ có đầy tớ mới được giấy phép sử dụng. Hoặc mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng có những thành phần được bình đẳng hơn người dân đen một chút….
Tôi nhớ một lần dẫn con trai đi tắm biển ở St Tropez. Lần đầu tiên hắn đến một bãi tắm “trần”, quần áo không cần theo quy luật. Dù chỉ 7 tuổi, hắn cũng biết cám ơn Thượng Đế đã tạo ra những tác phẩm tuyệt vời. Cho đến khi một bà mập ù, trải chiếu nằm cạnh bên và khoe 3 vòng tương đương với kích thước chắc trên 60 inches. Bà còn đầy lông lá trên mặt và khắp người. Thoạt nhìn qua, cứ nghĩ là con gorilla vừa thoát khỏi vườn thú. Con tôi bị shocked và mất ngủ 2 đêm. Dù luôn ca ngợi sự minh bạch và trung thực, cha con tôi phải công nhận giải pháp “tốt khoe xấu che” là thích hợp với tình huống này.
Một người bạn cho biết hiến pháp của Zimbabwe là một văn bản tuyệt tác vì nó được một nhà văn hào nổi tiếng soạn thảo từ một tổng hợp những giá trị cao quý nhất về nhân quyền và tự do của các bản hiến pháp khắp thế giới. Tôi đề nghị các nhà luật gia Trung Quốc “copy and paste” văn kiện này cho đỡ mất thì giờ thảo luận. Vì dù sao, nó chỉ là vài trang tiểu thuyết cấu kết từ tháp ngà của hoang tưởng.
Chúng ta nên dành thì giờ để nói chuyện thực thi luật lệ căn bản về quyền công dân ngoài thực tế. Và ai cũng biết rất rõ những quyền căn bản này là gì? Nếu chúng ta chưa sẵn sàng, thì cũng ít nhất mặc chiếc áo tắm vào để mọi người khỏi “ngứa” mắt.
Alan Phan

Không có nhận xét nào