Header Ads

MUỐN VƯƠN TỚI THÀNH CÔNG HÃY KỶ LUẬT VỚI BẢN THÂN!


"Kỷ luật chính là tự do" - Có thể bạn sẽ không đồng ý với phát biểu trên và chắc chắn nhiều người cũng thấy như thế. Người ta thường cho rằng kỷ luật là một từ kinh khủng và nó đồng nghĩa với việc mất tự do.


Thực tế thì ngược lại, nhà giáo dục nổi tiếng Stephen R. Covey đã nói rằng “người vô kỷ luật sẽ chỉ là nô lệ cho cảm xúc, sự thèm muốn và say mê.” về lâu dài, người vô kỷ luật sẽ thiếu đi sự tự do mà bản thân có được vì tính bừa bãi.
Kỉ luật bản thân là hành động dựa vào lý trí thay vì cảm xúc nhất thời của bạn. Nó là việc vượt qua lòng ham thích và và nỗi sợ trong hiện tại vì mục đích ý nghĩa hơn cho cuộc sống. Vì thế, tính tự kỷ luật giúp cho bạn:
- Tiếp tục thực hiện các ý tưởng trong công việc khi sự nhiệt tình, hăng hái ban đầu đã bị xuống dốc.
- Đi đến phòng tập khi bạn muốn nằm dài và xem TV.
- Dậy sớm để làm những việc bạn phải làm trong ngày.
- Nói “không” với việc ăn uống bừa bãi.
- Tự kiểm soát sự "nghiện ngập" với mạng xã hội.
Tính tự kỉ luật từng là điểm yếu của phần lớn chúng ta, kết quả hiển nhiên là bạn sẽ thấy mình thiếu khả năng để làm vô số việc mà mình muốn. Chẳng có ai muốn chui ra khỏi chăn trong một ngày rét buốt, nhưng ham muốn ấy nên chịu sự kiểm soát bởi lý trí có mục đích của mỗi người.
1 - Phải hiểu chính mình trước
Tự kỷ luật nghĩa là hành xử theo điều mà bạn thấy là tốt nhất, bất kể cảm xúc của bạn trong hiện tại ra sao. Chính vì thế đặc điểm đầu tiên của sự tự kỷ luật là phải tự nhận biết. Bạn cần quyết định xem hành động nào sẽ là tốt nhất cho mục tiêu và giá trị của bạn. Quá trình này cần xem xét bên trong bản thân bạn, để hiệu quả nhất thì bạn nên viết nó ra.
Khuyên bạn nên dành thời gian viết ra mục tiêu, mơ ước và tham vọng của mình. Tốt hơn nữa thì hãy viết ra mong muốn lớn nhất đời mình. Việc viết ra như vậy giúp bạn hiểu rõ hơn mình là ai, thứ mà mình mong muốn và những giá trị với chính mình.
2 - Nhận thức thế nào là thiếu kỉ luật
Tự kỷ luật phụ thuộc vào việc nhận thức cả cái bạn đang làm và không đang làm. Bởi lẽ, nếu bạn không nhận thức được hành động của mình là thiếu kỷ luật thì làm sao bạn có thể hành động khác đi được cơ chứ?
Khi bạn bắt đầu xây dựng tính tự kỷ luật, bạn sẽ nhận thức thấy mình đang làm những việc vô kỷ luật – ví dụ như cắn móng tay, bỏ tập thể dục, phá vỡ chế độ ăn kiêng hoặc kiểm tra facebook và mail liên tục.
Phát triển tính tự kỷ luật cần có thời gian, tuy nhiên chìa khóa ở đây là bạn phải nhận thức được hành vi thiếu kỷ luật của mình.
3 - Tự đưa ra cam kết
Không chỉ là viết ra mục tiêu và giá trị của bản thân. Bạn cần phải có sự cam kết bên trong chính bản thân đối với những điều đó. Nếu không, khi chuông đồng hồ reo lúc 5h sáng thì bạn sẽ thấy chẳng hại gì nếu bấm nút tắt và tự nhủ “thêm 5-10 phút nữa thôi”. Hoặc khi nhiệt huyết và tinh thần ban đầu đã đi xuống, bạn sẽ thấy rất khó khăn để hoàn thành đến cuối kế hoạch của mình.
Nếu bạn đang giằng co với sự cam kết, hãy quả quyết rằng bạn cần theo đuổi những gì mình đã nói là sẽ làm - bao gồm lúc bạn nói như thế và cách mà bạn đã cam kết.
4 - Can đảm để đổi lấy những gì tốt đẹp hơn
Không hề sai khi nói tự kỷ luật là một việc cực kỳ khó. Cảm xúc, sự thèm muốn và si mê là một lực cản rất lớn. Chính vì thế sự tự kỷ luật phụ thuộc rất nhiều vào sự can đảm.
Đừng giả vờ việc gì đó là dễ dàng đối với bạn trong khi thực tế nó rất khó khăn và gian khổ. Thay vào đó, hãy tìm kiếm lòng can đảm để đối mặt với khó chịu và mệt mỏi. Hãy bồi đắp dần bởi những chiến thắng bản thân nhỏ nhặt, sự tự tin của bạn sẽ lớn mạnh hơn và lòng can đảm để có được tính tự kỷ luật sẽ đến dễ dàng hơn.
5 - Cái giá của sự kỷ luật ít hơn nhiều so với sự hối tiếc
Hãy khắc ghi câu nói này khi đang cảm thấy do dự hoặc sắp làm gì đó sai trái. Bạn có thể mất một vài năm của hiện tại để đổi lấy 20, 30 năm hay thậm chí là toàn bộ năm tháng còn lại của cuộc đời mỉm cười trong mãn nguyện.
Hoặc ngược lại, thả mình trôi vô định và không thuộc về bất cứ khuôn khổ nào hết tuổi trẻ? Cho cùng, đó là cách nghĩ và quan điểm của bạn. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh chưa có bất kì tấm gương thành công nào lại không kỉ luật và nghiêm khắc với bản thân.

Nguồn: trường doanh nhân HBR

Không có nhận xét nào