Header Ads

TRUYỀN LỬA CHO ĐỘI SALES – KỸ NĂNG NHÀ LÃNH ĐẠO CẦN CÓ

Tạo động lực không chỉ đơn thuần là những lời khen hay những câu trích dẫn, áp phích, khẩu hiệu treo trên tường. Trong bán hàng, động lực là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công bền vững bất chấp mọi khó khăn, thử thách.
Bạn là trưởng phòng kinh doanh hay giám sát bán hàng, bạn đang đau đầu vì doanh thu mỗi tháng. Để cả đội đạt được mục tiêu ngoài việc đào tạo kỹ năng cho nhân viên, nỗ lực tác động đến thị trường thì một trong những điều bạn có thể làm mang đến hiệu quả bất ngờ là tạo động lực, truyền lửa cho nhân viên.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng kết quả làm việc của mỗi người chỉ phụ thuộc 1% vào tài năng, 14% vào huấn luyện và kinh nghiệm, còn tinh thần làm việc chiếm 85% còn lại. Bí quyết để công ty Dutch Lady Việt Nam đạt hiệu quả trong kinh doanh được chia sẻ: “Để đạt hiệu quả trong kinh doanh, bên cạnh các chương trình quảng cáo, khuyến mãi, việc thúc đẩy được khát vọng chiến thắng của nhân viên bán hàng là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến doanh số, chúng tôi rất coi trọng việc động viên, kích thích tinh thần làm việc của anh em”. Quả thật, việc chi hàng trăm triệu đồng của Dutch Lady Việt Nam cho một kỳ đại hội để thúc đẩy khát vọng chiến thắng, tinh thần tranh đua của nhân viên bán hàng và để ghi nhận những thành quả của họ là minh chứng thiết thực cho tầm quan trọng của việc khuyến khích tinh thần làm việc đối với kết quả kinh doanh.
1. LÃNH ĐẠO HĂNG HÁI NHÂN VIÊN MỚI NHIỆT TÌNH
Tinh thần và nhiệt huyết là mồi lửa rất dễ lây lan. Người lãnh đạo là người phải biết giữ phong thái ung dung, tự tại, hài lòng với đồng đội mình đang sát cánh và luôn sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách. Có một người lãnh đạo như vậy, các nhân viên chắc hẳn sẽ rất yên tâm nhìn về viễn cảnh phía trước. Không chỉ vậy, họ còn cần truyền cảm hứng làm việc cho nhân viên. Tùy theo tính nết, nhu cầu của từng nhân viên người lãnh đạo có cách động viên phù hợp nhất. Có người thích được tán dương trước trước đông người thì người lãnh đạo có thể khéo léo nhắc đến việc làm tốt của anh ta trong các cuộc họp. Có nhân viên lại làm việc thường để “nước đến chân mới nhảy” thì phải ép từ đầu tháng, thường xuyên theo dõi, đôn đốc. Để phát huy tối đa tiềm năng của nhân viên, người lãnh đạo cần đưa ra những tuyệt chiêu khác nhau.
2. TẠO DỰNG NIỀM TIN VỚI CÁC THÀNH VIÊN TRONG ĐỘI
Nền tảng của động lực là sự tin tưởng, bởi thế khi các thành viên trong nhóm đặt niềm tin vào người lãnh đạo thì mọi quyết định của lãnh đạo mới tạo động lực và kích thích họ làm việc. Khi đội sale uể oải thì chẳng thể nào kích thích họ lên được. Nhà quản lý cần tạo sự tin tưởng, sau đó duy trì và nuôi dưỡng lòng tin ấy với các thành viên trong nhóm một cách nhất quán và hãy nhớ phải thực sự minh bạch. Điều này sẽ giúp bạn tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp. Thay vì chứng tỏ mình là sếp, đơn giản bạn chỉ cần hỏi “Tôi muốn chắc chắn là mối quan hệ của chúng ta dựa trên sự tin tưởng. Vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng niềm tin?” là đã thể hiện được sự quan tâm chân thành của mình đến mỗi thành viên trong nhóm.
3. HIỂU CÁCH NHÂN VIÊN MUỐN ĐƯỢC QUẢN LÝ
Người quản lý cần nhớ 3 điều quan trọng là:
  • Tính cách của mỗi người đều khác nhau.
  • Muốn trở thành nhà quản lý hiệu quả cần hiểu được nhân viên phù hợp với phong cách làm việc như thế nào.
  • Hành vi, cách quản lý của mình có thể thay đổi và phù hợp với nguyện vọng của nhân viên.
Với những mục tiêu khác nhau sẽ yêu cầu các phương pháp bán hàng khác nhau và các nhân viên sale hiểu rõ để thích nghi với điều đó. Vì thế, để thúc đẩy tinh thần làm việc của mọi người, người lãnh đạo cần linh hoạt điều chỉnh cách quản lý của mình để phù hợp hơn với mong muốn của nhân viên thay vì áp đặt mọi cách giao tiếp hay chiến thuật bán hàng cho mọi người.
4. MỤC TIÊU RÕ RÀNG, CHƯƠNG TRÌNH RÕ RÀNG
Mục tiêu tăng trưởng gấp đôi năm ngoái hay vượt lên trước đối thủ cạnh tranh luôn là những chỉ tiêu mà ban lãnh đạo luôn hướng tới. Nhưng các chỉ tiêu này thường không tạo động lực cho nhân viên bán hàng cấp dưới. Bởi nhân viên chỉ thực sự phấn khích khi thách thức nhấn đúng vào điểm mạnh của họ và họ cho rằng mình có thể làm được. Nhân viên bán hàng là con người của hành động nên cái họ cần là những chương trình cụ thể, rõ ràng chứ không phải những thứ khẩu hiệu, đao to búa lớn.
Các nhân viên cấp dưới thường có suy nghĩ tiêu cực, các ý kiến phản hồi của họ nếu không hợp lý cũng cần được lắng nghe một cách thấu đáo. Điều này cũng thể hiện thái độ tôn trọng của người lãnh đạo với nhân viên.
5. TẠO ĐỘNG LỰC HÀNG NGÀY, HÀNG TUẦN, HÀNG THÁNG
Mỗi nhân viên lại cần tạo động lực theo những cách khác nhau. Có người thích thúc đẩy bằng các cuộc thi, có người lại thích phần thưởng, thăng tiến, số khác lại có động lực bằng tiền bạc.
Để thúc đẩy đội ngũ bán hàng cần hiểu mong muốn của họ, hiểu họ cần gì và họ sẽ đạt được điều đó khi hoàn thành nhiệm vụ. Hoặc bạn có thể khuyến khích hoạt động bán hàng cho mục tiêu hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng.
Mục tiêu hàng ngày: Bạn có thể để nhân viên thiết lập mục tiêu và bạn sẽ là người trao thưởng. Chẳng hạn như một thành viên nếu đạt được doanh số X sau một ngày làm việc thì sẽ được thưởng $10. Phần thưởng càng thú vị sẽ càng tốt.
Mục tiêu hàng tuần: Đây là mục tiêu rõ ràng và có tác động đến hoạt động kinh doanh. Hãy xác định những con số rõ ràng và làm việc với các thành viên để đưa ra kế hoạch để đạt được mục tiêu. Mỗi cá nhân sẽ đóng góp và có trách nhiệm trong việc hoàn thành chỉ tiêu của toàn đội.
Mục tiêu hàng tháng: Mục tiêu đi kèm với các phần thưởng có giá trị dựa trên KPI doanh số vượt. Phần thưởng có thể là một bộ loa hay tivi thay cho tiền mặt để mỗi lần họ sử dụng những thiết bị này có thể nhớ lại những gì đã cố gắng và vượt qua để đạt được nó.
Thành công của doanh nghiệp là kết quả làm việc của cả một tập thể từ nhân viên cho đến giám đốc và điều này phụ thuộc nhiều vào tinh thần làm việc của mọi người. Hãy hăng hái và duy trì ngọn lửa đam mê công việc trong nhân viên để họ sát cánh cùng bạn đi xa trên con đường thành công.

Nguồn: quản trị phân phối


Không có nhận xét nào