Header Ads

NGƯỜI VIỆT XÀI SANG



PV: Theo ông, tại sao ngày càng đông đại gia Việt mới nổi phóng tay tiêu xài, bất chấp kinh tế Việt Nam khó khăn, người dân đang phải thắt chặt chi tiêu?
TS. Alan Phan: Đó là tâm lý chung của những người mới giàu chưa có cơ hội hưởng thụ. Nếu kiếm được một số tiền, nhất là khi số tiền kiếm được một cách dễ dãi thì đương nhiên họ có khuynh hướng thích phóng tay mua sắm, chứ không chắt chiu, cẩn thận như những người kiếm tiền một cách khó khăn. Ngoài ra còn có yếu tố sĩ diện của nền văn hóa bắt đầu từ Trung Quốc, tức là bề mặt rất quan trọng. Cho nên đối với họ sự thể hiện yếu tố bề mặt không chỉ trong vấn đề sinh sống hàng ngày mà còn trong công việc làm ăn. Nhiều ông không có tiền nhưng cũng phải ráng mua một chiếc xe thật tốt thì người ta mới tin mình, mới đưa tiền cho mình làm ăn.
PV: Có đặc điểm chung nào để nhận diện số người dám bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua một chiếc túi xách hoặc hàng chục tỷ đồng để tậu một chiếc xe, thưa ông?
TS. Alan Phan: Xã hội này đang là lúc khởi đầu của tư bản. Có rất nhiều lỗ hổng. Người ta ào ạt kiếm tiền ở chứng khoán, ở bất động sản, hoặc người có chức có quyền thì kiếm tiền bằng phong bì cũng quá dễ, đêm về có người đem tiền tới cho mình. Tất cả tạo thành xã hội mà đồng tiền kiếm quá dễ. Kiếm quá dễ thì tiêu quá dễ. Không riêng gì Việt Nam mà Trung Quốc cũng vậy.
PV: Cách tiêu pha kinh khủng như thế có chứng minh được họ thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội không, thưa ông?
TS. Alan Phan: Cách tiêu pha như thế không dính gì tới vấn đề thượng lưu hay không thượng lưu. Nó chỉ đơn giản chứng minh là họ có rất nhiều tiền. Khi họ có tiền thì ai muốn đánh giá sao thì đánh giá. Đương nhiên có khoảng 2-3% dân số có thu nhập khủng so với đại đa số người dân khác. Còn thu nhập đó là hợp pháp hay không hợp pháp thì lại là chuyện khác, liên quan đến pháp lý, xã hội, lương tâm và nhiều thứ khác. Ở đây mình chỉ nói đến chuyện người có tiền. 2-3% người rất giàu như thế cũng tương đương dân số 2,7 triệu người. 2,7 triệu người xài ẩu sẽ kinh khủng thế nào thì chúng ta đã thấy. Nếu tính về xác suất thì không có gì đáng ngạc nhiên về số lượng hàng xa xỉ được tiêu thụ.
PV: Vậy thượng lưu, đẳng cấp đúng nghĩa, theo ông, phải là như thế nào?
Mỗi người có quan điểm riêng về đẳng cấp. Tôi thì đánh giá một người ở nhiều góc cạnh xã hội như sức khỏe, tâm linh, văn hóa, trí tuệ… Nhưng mọi sự đánh giá cũng là không cần thiết. Chỉ có mình tự biết mình là đủ. Mình là người có trí tuệ, có nhân tâm hay mình là thằng khốn nạn thì chỉ có mỗi mình biết rõ nhất. Chỉ khi tự biết mình như thế, không quan trọng chuyện thiên hạ đánh giá mình thế nào thì con người ta mới có đủ bản lĩnh để tự sửa mình, hoặc để phấn đấu tiến bộ hơn.
PV: Từng sống nhiều ở phương Tây và đi nhiều, ông nhận thấy có sự khác biệt nào trong thói quen tiêu xài giữa người giàu phương Tây và người giàu trong nước?
TS. Alan Phan: Người mới giàu ở phương Tây cũng có tâm lý thích hưởng thụ. Nhưng họ kiếm tiền không dễ nên sự hưởng thụ bị giới hạn, khác với Việt Nam hay Trung Quốc. Người phương Đông thì thích khoe khoang, chẳng hạn tổ chức sinh nhật, đám ma, đám cưới… thì làm ầm ĩ lên. Khai trương một tiệm bánh cũng phải nhạc giật đùng đùng, múa lân hoành tránh… khiến cho mọi người nhìn vào phải thán phục. Trong khi ở bên Mỹ, chỉ có tổng thống chết thì xe đám ma mới đi đầy đường. Tôi từng đi đám ma của các viện sĩ, những người có địa vị xã hội ở bên ấy, họ đều tổ chức rất lặng lẽ.
PV: Ông có thể kể một trường hợp tiêu xài cụ thể nào đó mà ông ấn tượng?
TS. Alan Phan: Tôi từng đến dự đám cưới của con trai một tỷ phú. Ông này có tên trong danh sách 500 người giàu nhất nước Mỹ. Đám cưới được tổ chức ở một nhà thờ nhỏ tại Ranchos Palos Verdes, phía Nam Los Angeles. Sau đó là tiệc tiếp tân ở bãi biển, chỉ có mấy khay sandwich và nước ngọt. Có khoảng 70 người tham dự. Đám cưới diễn ra rất giản dị nhưng ấm áp, thân thiết. Nghĩa là cách hưởng thụ cuộc sống của họ không ồn ào, không dính tới xã hội bên ngoài.
PV: Tâm lý ưa xài sang, thích chơi ngông có đưa đến những hệ lụy gì cho văn hóa không, thưa ông?
TS. Alan Phan: Tâm lý xài sang, xài ẩu suy cho cùng không đáng trách bởi đó là quyền cá nhân. Nhưng nó phản cảm trong một xã hội mà đa số người dân còn nghèo. Nó gây nên sự ghen tỵ không cần thiết ở những người nghèo. Xài sang như thế còn có thể gây ra hệ lụy trong xã hội và làm gương xấu cho lớp trẻ. Thí dụ tệ nạn nhậu nhẹt ở lớp trẻ cũng là bắt chước từ cha chú. Chữa bệnh gan cho một người mỗi năm mất trung bình 20 ngàn đô. Tính ra 10 triệu dân mắc bệnh gan vì nhậu nhẹt thì chính phủ phải chi ra ít nhất 20 tỷ đô. Tổn thất này còn nặng hơn vụ Vinashin.
PV: Ông có nghĩ là Việt Nam cũng cần mở hẳn một trường dạy cho người giàu biết cách xử sự tương xứng với số tiền họ có như cách mà Trung Quốc đã làm?
TS. Alan Phan: Cái trường ấy bên Trung Quốc cũng chỉ dạy người ta cách giao tiếp khi gặp người Tây phương và đa số là gặp để làm ăn. Đối tượng học các lớp ấy chủ yếu là những người Trung Quốc có làm ăn với Tây phương, chứ nếu làm ăn với người trong nước thì ứng xử của họ vẫn như cũ.
PV: Nghĩa là vấn đề xài sang, xài ẩu chỉ được giải quyết ở ngọn. Còn để giải quyết tận gốc thì cần phải làm thế nào cho căn cơ, thưa ông?
TS. Alan Phan: Chính phủ nên đứng ngoài cuộc vì đây không phải là việc của chính phủ, mà đây là mặt trận văn hóa, giáo dục. Những cơ quan văn hóa, tôn giáo, những nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn nên có những cuộc thảo luận thường xuyên về cách ứng xử có trách nhiệm với đồng tiền. Nên cho giới trẻ biết sự tiêu xài hoang phí không có nghĩa lý gì trong bối cảnh vũ trụ. Còn nhìn chung, thì đóng góp lớn nhất để giải quyết tận gốc chuyện xài ẩu vẫn là những tấm gương từ người lớn. Một giáo viên ăn nhậu lê lết thì dạy làm sao cho học trò nghe?

Nguồn: alan phan

Không có nhận xét nào