Header Ads

SAI LẦN ĐẦU LÀ LỖI CỦA NHÂN VIÊN, NHƯNG ĐỂ NHÂN VIÊN SAI THÊM LẦN NỮA THÌ LÀ LỖI CỦA SẾP


Trong thần thoại Hy Lạp, Pygmalion là chàng hoàng tử tài hoa xứ đảo Cyprus. Chàng dùng hết tài hoa và tâm hồn của mình để tạc nên bức tượng một cô gái hoàn hảo. Đứng trước tác phẩm tuyệt đẹp của mình, chàng đã yêu người con gái đó và gọi nàng là Galatea. Ngày qua ngày, chàng không ngừng khẩn cầu nữ thần tình yêu ban cho Galatea sự sống. Cảm động trước chân tình và tài năng của Pygmalion, nữ thần tình yêu đã đồng ý ban tặng hơi thở của sự sống cho Galatea. Ước mơ trở thành hiện thực, Galatea xinh đẹp đồng ý trở thành vợ của hoàng tử và họ sống bên nhau hạnh phúc đến trọn đời.

Dựa theo truyền thuyết xưa, nhà biên kịch Bernard Shaw đã viết nên vở nhạc kịch My Fair Lady, lập kỷ lục vở nhạc kịch được trình diễn lâu nhất ở Broadway lúc bấy giờ. Sau này, vở nhạc kịch được dựng thành phim với ngôi sao huyền thoại Audrey Hepburn thủ vai chính, nàng Eliza Doolittle. Trong câu chuyện, giáo sư ngôn ngữ Henry Higgins cho rằng mình có thể giúp cô gái bán hoa quê mùa Eliza Doolittle thành một quý bà sang trọng thông qua việc chỉnh sửa lối phục trang, ngôn ngữ và phong thái của cô. Ông đã thành công. Tuy nhiên Eliza chia sẻ sự thành công đó không đến từ những bài tập luyện, mà nó đến từ viêc giáo sư Henry Higgins đối xử với cô ấy như một quý bà:
-Sự khác biệt giữa một quý bà và một cô gái bán hoa không phải ở việc cô ấy cư xử như thế nào, mà là ở cách người ta đối xử với cô ấy ra sao. Em sẽ mãi là một cô gái bán hoa với giáo sư Higgins bởi vì ông ấy luôn coi em như vậy. Nhưng em có thể trở thành một quý bà với anh bởi vì anh luôn trân trọng em như một quý bà, sẽ luôn như vậy.
Đó chính là hiệu ứng Pygmalion hay còn gọi là Self-fulfilling prophecy (lời tiên tri tự trở thành sự thật). Đây là một bí quyết quan trọng trong quản trị nhân sự - có thể khiến nhân viên thăng hoa hay hủy hoại họ. Đa phần, mọi lỗi lầm của nhân viên đều được cho rằng đến từ bản thân họ với sự thiếu kiến thức, kĩ năng hay trách nhiệm. Điều này không sai. Nhưng dưới một góc nhìn khác, khoa học chứng minh được chất lượng làm việc kém của nhân viên có thể phần lớn “đổ lỗi” cho sếp.
Hội chứng Pygmalion có thể diễn ra ở công sở với chiều hướng tệ hại mà cả nhân viên và lãnh đạo đều không nhận ra. Trước khi hội chứng xảy ra, mối quan hệ của nhân viên và sếp khá tích cực hoặc chí ít cũng bình thường. Nhưng những sự việc nhỏ xảy ra như trễ hạn dự án, mất một khách hàng hay một bản báo cáo không hoàn hảo lại châm ngòi cho những câu chuyện tệ hại đằng sau. Trước biểu hiện không tốt của nhân viên, sếp bắt đầu quản lý chặt hơn, đưa ra những chỉ thị chi tiết hơn và cáu bẳn nhiều hơn. Khi này, nhân viên bắt đầu mất sự tự tin, cảm giác mình không còn ở trong “đội nhóm thân cận” của sếp nữa. Anh ta ít giao tiếp với sếp dần đi, làm việc với sự lo lắng sếp chăm chăm bắt lỗi mình. Với sự lo lắng, anh ta không thể làm việc gì ra hồn và sếp nhận định khả năng làm việc của anh ta không tốt. Sếp tăng cường giám sát từng hành động nhỏ trong công việc của anh. Anh ngày càng cảm thấy mất an toàn, làm việc cầm chừng, không bao giờ tự quyết định việc gì. Khi tới đỉnh điểm, sếp không còn giao công việc quan trọng cho anh nữa, anh bị cách xa khỏi trung tâm của công việc, làm những công việc “pha trà quét nhà”. Sự cô lập nơi công sở, sự tự ti nơi bản thân khiến anh phải nghỉ việc hoặc chấp nhận làm một cái bóng ma dập dờn đợi đến cuối tháng lĩnh đồng lương còm cõi.
Cách đối xử của lãnh đạo đối với nhân viên rất quan trọng. Sự thiếu giao tiếp, thấu hiểu, ngộ nhận có thể dẫn tới kết quả vô cùng tệ hại - tổn thất cho lãnh đạo (tốn thời gian quản lý, giận dữ…) và cả cho công ty (năng suất làm việc thấp, sai phạm gia tăng…). Cách ứng xử sai vô tình hoặc cố ý có thể lập trình con đường tới thất bại cho nhân viên mà nhà lãnh đạo không hề nhận ra. Liệu các nhà lãnh đạo có nhận ra chính mình đã từng khiến nhân viên thất bại?

Nguồn: Vũ Minh Trường - thành viên khởi nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào