Header Ads

Startup có cần biết “tái cấu trúc”?

Tái cấu trúc là một thuật ngữ quen thuộc trong hoạt động kinh doanh, thường được hiểu rằng khi và chỉ khi doanh nghiệp đã trải qua các hoạt động kinh doanh, nhận ra cần phải đánh giá hiệu quả, cần thay đổi theo hướng tích cực thì mới tiến hành tái cấu trúc. 

Vậy tái cấu trúc có liên quan và cần thiết đối với startup? Theo người viết là rất cần thiết! 
Chúng ta biết doanh nghiệp Việt Nam đa phần xuất phát từ hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, gia đình, cách thức kinh doanh theo kiểu tự phát, tự học hoặc theo thói quen của người đi trước… Đến khi doanh nghiệp phát triển với quy mô lớn hơn thì chủ doanh nghiệp bắt đầu tìm tòi, học hỏi và tìm cách nâng cấp theo hướng chuyên nghiệp hiện đại. Việc tái cấu trúc bắt đầu từ những mong đợi đó. 
Thế nhưng, trên thực tế, trong “cuộc cách mạng tái cấu” thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã “tiền mất tật mang”, nghĩa là sau khi tiến hành tái cấu trúc, kết quả không những không được như mong đợi, mà còn mất đi những gì còn lại, dù rằng phương pháp, tư duy, định hướng chiến lược và các mục tiêu hướng đến được các nhà tư vấn chuyên nghiệp hỗ trợ chi tiết và chuyên nghiệp. Vậy nguyên nhân từ đâu? Do năng lực của chuyên gia tư vấn? Hay từ doanh nghiệp?
Trải qua hơn 30 năm là CEO của các doanh nghiệp đủ quy mô và các tập đoàn, từng là diễn giả tại các diễn đàn doanh nhân và tư vấn thương hiệu tại Việt Nam, người viết nhận ra, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến kết quả đó là do bản lĩnh, thái độ, sự kiên nhẫn và niềm tin trong doanh nghiệp.
Bản chất hành vi ứng xử, đạo đức và văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam là đặt giá trị tình cảm lên trên hết. Các mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, bạn bè ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Tất cả các ông chủ doanh nghiệp đều khẳng định doanh nghiệp công bằng, mọi người đều bình đẳng, nhưng thực tế nhiều khi rất khác. Đây chính là một trong những yếu tố khó khăn hàng đầu cho các nhà tư vấn cũng như cho các CEO làm thuê. 
Việc doanh nghiệp không thoát ra được văn hóa truyền thống gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp. Tại sao? Vì, mỗi doanh nghiệp chỉ có một ông chủ, những người còn lại - dù là người một nhà, họ hàng, bạn bè thân hữu… - đều không phải ông chủ. Vì họ không phải ông chủ, nên sẽ có sự “lệch pha” so với ông chủ về tư duy, niềm tin, thái độ, tầm nhìn và mong đợi.
Chưa kể, trong số những người thân, bạn bè đó còn có những trường hợp năng lực hạn chế, tư duy kém, ỷ lại, không hợp tác… Ông chủ doanh nghiệp biết việc này không? Có! Vậy ông có đủ bản lĩnh để làm cuộc cách mạng “thay da đổi thịt” không? Có dám sa thải hay kỷ luật mạnh tay không? Có đủ kiên nhẫn và kỹ năng để chuyển hóa các thái độ đó không?
Mỗi doanh nghiệp đều có văn hóa của riêng mình. Văn hóa doanh nghiệp thể hiện tầm nhìn, mục tiêu của chủ doanh nghiệp, và là giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đó. Vì vậy, không ai khác ngoài ông chủ phải là người định hình văn hóa doanh nghiệp, phải cho mọi người thấy ánh sáng kỳ vọng ở phía trước trong tương lai bền vững thì mới chạm đến con tim và làm thay đổi thái độ làm việc của các cộng sự được.
Rất nhiều chủ doanh nghiệp biết rõ rằng để lớn mạnh, ra biển lớn được, họ cần phải thay đổi. Đáng tiếc, đa phần chỉ “sung sức” ở giai đoạn bắt đầu, hoặc có một số doanh nghiệp giữ được sự kiên định cho đến khi kết thúc giai đoạn tư vấn tái cấu trúc từ các chuyên gia. Nhưng đến giai đoạn chuyển giao thì… đâu lại vào đấy. Sự kiên nhẫn không tồn tại ở đây, vì nhiều yếu tố, trong đó đa phần do các ông chủ bị áp lực từ phía gia đình và người thân.
Một nguyên nhân khác là năng lực tài chính, khi tái cấu trúc, doanh nghiệp phải chịu sự thay đổi bởi nhiều yếu tố, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu trong giai đoạn tái cấu trúc, mất nhiều chi phí và nhiều thời gian. Khi xây dựng kế hoạch triển khai, chủ doanh nghiệp đều nhận thấy được các thước đo, thấy được thời gian và cả sự trả giá trong quá trình tái cấu trúc… Nhưng đa phần các doanh nghiệp đều sốt ruột khi đối mặt hằng ngày với áp lực.
Để tái cấu trúc thành công, trước tiên, doanh nghiệp cần thật sự hiểu về tái cấu trúc, và có niềm tin để thực hiện. Niềm tin được xác định bằng giá trị của việc tái cấu trúc, đó là việc cần thiết để làm mới mình và để lớn mạnh. Niềm tin được xây dựng trên nền tảng tư duy khoa học, từ tầm nhìn chiến lược, từ sự tự đánh giá các khoảng trống về năng lực, sự học hỏi nâng cao kiến thức nhằm phù hợp với xu thế hiện đại trong thời đại nền kinh tế mở. 
Tóm lại, trước khi tái cấu trúc, doanh nghiệp cần có cái nhìn nghiêm túc về những giá trị trên để không mất đi thời gian, nguồn lực một cách vô ích mà không đạt được kết quả như mong đợi. 
Quay trở lại vấn đề đặt ra ban đầu: Starup có cần biết về tái cấu trúc? Để bắt đầu một startup, nhà sáng lập phải thấy được và hiểu được những giá trị và sự trả giá của các doanh nghiệp đã và đang triển khai các hoạt động kinh doanh của mình. Cổ nhân có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vì vậy, sẽ không thừa nếu các startup biết và hiểu được những thực tiễn ở trên, để từ đó trang bị cho mình hành trang chu toàn hơn, nhằm giảm thiếu rủi ro và tự tin hơn trong quá trình xây dựng một doanh nghiệp.
Nguồn: DNSG

Không có nhận xét nào