Header Ads

Thay vì than phiền hay lo lắng, đây là cách tôi nạp "Vitamin vui vẻ" mỗi ngày

Hạnh phúc không nên là thứ gì đó quá lớn lao, mơ hồ để chúng ta theo đuổi trong vô vọng. Bằng việc tìm được chính động lực thúc đẩy của bản thân, bạn đã một bước gần hơn với hạnh phúc thực sự.


Khi tiếng chuông báo thức điểm vào mỗi sáng thứ Hai, suy nghĩ đầu tiên của bạn là gì?
"Ước gì hôm nay không phải đi làm!""Lại một ngày dài phía trước, thật chán chết!" hay "Không biết tuần này sẽ gặt hái được điều gì đây?"
Dù là gì, hãy tự hỏi bản thân điều này: "Điều gì khiến mình thiếu động lực vậy?" Làm thế nào để tràn ngập năng lượng? 
Gặp gỡ Nancy
Tôi từng có một đồng nghiệp tên Nancy. Cô ấy luôn đi làm đúng giờ và ra về khi đồng hồ điểm 6:30. Không hơn, không kém. Nancy được ví như kẻ phá mood ở văn phòng vì cái tính hay gắt gỏng với mọi người xung quanh, cộng thêm với việc suốt ngày than phiền về đủ thứ trên đời, nên ai cũng cố tình tránh cô ta.
Tôi có dịp trò chuyện với Nancy ở phòng chờ lúc đi lấy cà phê. Cô ấy kể đã làm việc cho công ty này hơn 20 năm. Tôi hỏi lí do khiến cô sẵn sàng làm việc lâu đến thế thì câu trả lời rất đơn giản: "Chỉ vì đây là công việc cho tôi thu nhập, lại gần nhà". Sau đó, Nancy rời đi, còn mình tôi đứng đó, không nói lên lời.
Lí do nào khiến một người có thể làm y nguyên một công việc suốt 20 năm nhỉ? Rõ ràng Nancy không hề thích nghề này, nhìn cách cô ấy luôn cáu kỉnh mà xem. Tại sao cứ chịu như vậy mà không thay đổi?
2 kiểu người
Dù có chút cực đoan, nhưng tôi nghĩ tất cả nên nhận thức được việc có những người sẵn sàng làm một việc lặp đi lặp lại hàng năm trời. Kể cả trong hôn nhân, công việc hay sự nghiệp thăng tiến của chính bản thân, họ đều không hề có nhu cầu tìm kiếm một thứ gì đó đột phá hơn.
Mặt khác, tôi cũng muốn tất cả biết về những người lạc quan, luôn đặt ra mục tiêu và phấn đấu vì điều đó. Được thăng tiến, xây dựng gia đình, lên đời cho nhà và xe, đi qua những cột mốc trọng đại,... đó là kiểu người luôn biết tiến về phía trước vì mục tiêu cao hơn.
Vậy đâu là sự khác biệt giữa hai kiểu người trên?
Giữa điều bạn thích hoặc không thích làm, hãy tập trung vào một thứ. Đó chính là động lực. Chúng sẽ giúp bạn vượt qua mọi trở ngại và khó khăn để đạt được mục đích.
Nếu không có động lực, bạn sẽ dễ dàng từ bỏ chỉ sau vài lần, thậm chí là lần thất bại đầu tiên. Hoặc giống như trường hợp của Nancy, luôn dậm chân tại chỗ: làm thứ bạn không thích cho có lệ.
Tóm lại, động lực là gì?
Dù bạn nhận ra hay không, thì động lực vẫn có sức ảnh hưởng to lớn. Chúng cần phải được khai thác để chính bạn có thể tận hưởng niềm vui từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống thường ngày.
Tiếc là nhiều người lại có xu hướng phóng đại quá mức điều này. Hãy nghĩ đơn giản như giữa việc chọn giữa "có" và "không" khi quyết định vậy.
Nhưng động lực không phải là thứ có thể dễ dàng thay đổi được, mà là lẽ tự nhiên. Muốn có nó, hãy bước ra khỏi giới hạn của chính mình. Việc đọc một vài câu truyền cảm hứng hay nhận lời khen từ bạn bè cũng chẳng giúp bạn duy trì động lực được lâu dài.
Có thể ví như việc mặt trời cung cấp liên tục nhiều dòng năng lượng cho trái đất, động cơ thúc đẩy của bạn cũng có nhiều lớp, bắt đầu từ lõi cho đến bề mặt. Vẻ ngoài là thứ bạn nhìn thấy, nhưng điều quan trọng lại là quá trình vận hành bên trong.
Nếu xác định được động cơ thúc đẩy của bản thân thì bạn sẽ vừa đạt được mục tiêu đặt ra, vừa có thể tận hưởng từng khoảnh khắc khi làm việc - điều quan trọng hơn cả thành tích.
Giờ tôi sẽ giúp bạn hiểu hơn bằng việc tách 3 lớp của "động cơ thúc đẩy":
Lõi - Mục đích
Lớp hỗ trợ - Khả năng
Bề mặt - Sự công nhận
Có lẽ lớp 2 và 3 là quen thuộc nhất với chúng ta, vì thường xuyên được tiếp xúc.
Lớp 2: Lớp hỗ trợ - Khả năng
Thực chất, đây là lớp củng cố cho mục tiêu đã đặt ra của bạn. Nó thậm chí có thể làm vững chắc thêm bước đà dài mà bạn đã lấy. Nói một cách đơn giản, lớp này tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi để giúp mọi việc diễn ra suôn sẻ.
Lớp 3: Bề mặt - Sự công nhận
Lớp này bao gồm mọi sự thừa nhận từ ngoại cảnh - thứ tạo cho bạn động lực, có thể qua lời khen hay ca tụng.
Không chỉ thế, nó còn có thể phát sinh từ bên trong - sự khuyến khích hay chỉ trích mang tính xây dựng từ bạn bè, đồng nghiệp - những người luôn sát cánh bên bạn.
Có thể nói đây là những gì bạn nhìn thấy được từ vẻ ngoài của một người: sự công nhận, tôn trọng mà họ có được.
Lớp trong cùng: Lớp lõi - mục tiêu
Điều quan trọng nhất để điều khiển động lực thúc đẩy trong bạn chính là mục tiêu đặt ra. Đây là thứ quyết định giúp bạn đi đúng hướng và đạt được mục đích dễ dàng nhất.
Lớp này bao gồm 2 yếu tố: Có mục đích và Luôn tiến về phía trước.
Chỉ với hai yếu tố này, bạn sẽ duy trì được động lực một cách lâu dài.
Vậy, làm thế nào để tạo ra chúng?
Cách để duy trì mục đích
Để làm điều này không khó, hãy luôn hỏi bản thân câu hỏi: "Vì sao?"
Vì sao bạn lại nỗ lực theo đuổi một mục đích? Nếu lí do mơ hồ, không rõ ràng thì động lực thúc đẩy làm điều đó cũng sẽ như vậy. Bạn cần tập trung vào thứ gì đó, và phấn đấu hết mình vì nó.
Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là mục tiêu ấy phải lớn lao như việc giải cứu thế giới. Đơn giản, một mục đích có ý nghĩa là làm điều gì đó có ích cho bạn và những người xung quanh.
Bước tiếp theo là luôn tiến về phía trước. Giống như quả cầu tuyết, chính sự chuyển động tạo đà cho bước tiếp theo.
Hãy nhớ rằng sự thay đổi không cần và sẽ không là điều một sớm một chiều, nó cần thời gian và sự bình tĩnh. Miễn là bạn luôn bước đi dù chỉ là một chút.
Có thể nghĩ đến việc tạo ra những thứ đơn giản như checklists hay milestones để khi nhìn lại sẽ nhận ra được bản thân đã đi xa được đến mức nào. Đây cũng là cách thúc đẩy bước đà bạn đang tạo ra thêm lớn hơn.
Đó cũng là lí do tại sao những video games lại hấp dẫn đến vậy. Chúng kích thích não phát triển và tạo sự ganh đua để hoàn thành được mục tiêu đề ra.
Tìm xem điều gì thúc đẩy bạn ngày hôm nay?
Hãy bắt đầu bằng việc xác định bản thân đang ở đâu. Nhìn thử vào một khía cạnh của cuộc sống, bạn sẽ rõ.
Ví dụ, để ý đến công việc bạn đang làm. Trước hết, hãy viết ra những lí do tại sao bạn vẫn đang duy trì việc này. Rồi nghĩ đến Mục đích bạn theo đuổi nó. Cuối cùng, làm một phép so sánh. Liệu công việc ấy có giúp bạn đạt được mục tiêu đã đặt ra ban đầu hay không?
Nếu có, tuyệt vời, bạn đã đi đúng hướng.
Nếu không, đừng hoảng sợ, vẫn chưa phải quá muộn để đưa mọi thứ về đúng quỹ đạo.
Ai cũng muốn được hạnh phúc?
Hạnh phúc không nên là thứ gì đó quá lớn lao, mơ hồ để chúng ta theo đuổi trong vô vọng. Bằng việc tìm được chính động lực thúc đẩy của bản thân, bạn đã một bước gần hơn với hạnh phúc thực sự.
Việc đọc hàng ngàn cuốn sách, câu châm ngôn, hay xem những video truyền cảm hứng thực chất không có tác dụng gì lớn. Chúng có thể đem đến sự thay đổi tạm thời, nhưng đó không phải là thứ bạn đang tìm kiếm.
Bởi lẽ muốn thay đổi hoàn toàn, bạn phải có cách tiếp cận toàn diện, theo từng bước đi nhỏ mà lâu dài.

Nguồn: cafebiz

Không có nhận xét nào