Header Ads

Thương mại điện tử: Nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp

Thương mại điện tử (TMĐT) đang giúp các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa vươn ra thế giới thông qua kênh xuất khẩu trực tuyến.

Lợi thế thương mại điện tử
Thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra hàng nghìn tỷ USD cho hoạt động kinh tế những năm gần đây và đang tiếp tục tăng tốc. Với dân số trẻ, lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, TMĐT tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Cụ thể, năm 2013, TMĐT mang doanh thu về cho Việt Nam 2,2 tỷ USD, đến năm 2017 lên 6,2 tỷ USD. Năm 2018, doanh thu từ TMĐT tiếp tục lên 7,8 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2015. Theo ông Nguyễn Kỳ Minh - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet), nếu vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 30% như hiện nay thì đến năm 2020, TMĐT Việt Nam sẽ đạt doanh thu đến 13 tỷ USD.
Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam, TMĐT xuyên biên giới đã trở thành một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu và hiện có 32% DN nhỏ và vừa Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Việc gia nhập những nền tảng TMĐT B2B giúp DN xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu.
Hiện các sàn TMĐT lớn của thế giới là Alibaba.com và Amazon.com đã tiếp cận và thâm nhập mạnh hơn vào Việt Nam. Bà Grace He - Quản trị hệ thống của Alibaba tại Việt Nam cho biết, những năm gần đây, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, thu hút đầu tư nước ngoài lớn và có tốc độ phát triển công nghệ thông tin cao hơn nhiều nước trong khu vực, là nền tảng mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất của Alibaba tại châu Á và cũng là một trong 10 quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các mặt hàng may mặc, da giày, hải sản, thủ công mỹ nghệ. Những mặt hàng này cũng phù hợp với các đối tác của Alibaba trên thế giới.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu trực tuyến qua sàn TMĐT mang lại hiệu quả kinh tế và rất phù hợp với tiềm lực của các DN nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay. Bởi các DN thông qua TMĐT xuất khẩu, đưa hàng ra nhiều nước trên thế giới, mở rộng kinh doanh nhưng không mất nhiều chi phí đầu tư. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi các nhà nhập khẩu trên thế giới đang thường xuyên tìm kiếm bạn hàng thông qua internet.
Cụ thể, hai sàn TMĐT Amazon.com và Alibaba.com sẽ giúp các DN trong nước đưa hàng đến với hàng triệu khách hàng trên thế giới. Trong đó, Amazon đang có mặt tại 13 thị trường với 300 triệu khách hàng còn Alibaba có 260 triệu DN mua hàng tại 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2018 của Việt Nam đạt khoảng 482 tỷ USD. Thông qua kênh Alibaba.com, giá trị hàng xuất khẩu từ DN Việt Nam có thể tăng nhiều hơn khi các DN nhỏ và vừa có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp.
Cơ hội cạnh tranh toàn cầu
Các chuyên gia cho rằng, bán hàng qua các sàn TMĐT là một trong những cách nhanh nhất để các DN có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó đưa hàng ra thế giới. Và trên thực tế, đã có rất nhiều DN thành công khi tập trung cho kênh bán hàng này. Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó giám đốc Công ty XNK Rồng Đông Dương, một DN nhỏ và vừa có trụ sở tại Hưng Yên cho biết, với mặt hàng nông sản như nghệ, hoa hồi, quế... thời gian đầu công ty gặp rất nhiều khó khăn khi chỉ khai thác thị trường trong nước.
Nhận thấy khó có thể phát triển nếu công ty chỉ quẩn quanh tại Việt Nam, năm 2006 Rồng Đông Dương đã tìm đến với Alibaba.com. Chỉ sau một năm tiếp cận kênh bán hàng này, Rồng Đông Dương tăng trưởng mạnh mẽ và đến nay, mỗi tháng Công ty nhận được hơn 200 cuộc trao đổi về hàng hóa từ các đối tác trên thế giới. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Rồng Đông Dương đạt 2 triệu USD mỗi quý và đã xây dựng nhà máy chế biến tại Yên Bái và Hưng Yên.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tổng số 517.900 DN hiện nay, chỉ có khoảng 10.100 DN lớn, chiếm tỷ lệ chưa đến 1,9%. Số DN nhỏ và vừa chiếm tới 98,1%. Đáng chú ý, 66% trong số đó là các DN nhỏ và vừa là có quy mô siêu nhỏ, khó có thể xuất khẩu trực tiếp.
Chính vì vậy, việc Alibaba.com hợp tác với một sàn TMĐT Việt Nam là Fado để hỗ trợ, đào tạo các kỹ năng, kiến thức về TMĐT xuyên biên giới nhằm nâng cao năng lực chào hàng trực tuyến cho các DN Việt. Động thái này đang mở ra cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam cơ hội xuất khẩu trực tuyến đầy tiềm năng.
Kinh nghiệm 7 năm xúc tiến bán hàng thành công ở các lĩnh vực da giày, thủ công mỹ nghệ, kỹ thuật..., ông Phạm Đạt - Tổng giám đốc Công ty Fado Việt Nam cho rằng, điểm khó nhất đối với các DN lần đầu tiên bán hàng trên các sàn TMĐT là tìm hiểu thủ tục liên quan đến thuế, hải quan, dịch vụ vận chuyển, thanh toán, cách đưa sản phẩm chuyển lên hệ thống sao cho hiệu quả. Nhưng điểm yếu nhất của các DN Việt Nam là chưa có tư duy kinh doanh trực tuyến và cũng chưa biết bắt đầu từ đâu. Rất nhiều DN nhỏ và vừa Việt Nam có năng lực chưa phù hợp với bán hàng trực tuyến.

Nguồn; DNSG

Không có nhận xét nào